Cao Bằng nỗ lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Huy động mọi nguồn lực
Thực hiện Quyết định số 587/QĐ-TTg, ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổ chức Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025, UBND Tỉnh quán triệt, ban hành các văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng phong trào đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Phong trào thi đua được các cấp, các ngành, người dân nhiệt tình hưởng ứng, tham gia thực hiện các nội dung, tiêu chí nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn phát triển.
Xây dựng nông thôn mới giúp cải thiện hạ tầng cơ sở vùng miền núi tỉnh Cao Bằng |
Sau 3 năm thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn 2011-2025, phong trào thi đua đã đạt được những kết quả khả quan, nổi bật như: các huyện, thành phố tổ chức 175 hội nghị tuyên truyền với hơn 13.502 lượt người tham dự; các cơ quan truyền thông tuyên truyền 730 tin, bài phóng sự, chuyên mục về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Các tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang tổ chức phát động các Phong trào thi đua sâu rộng: Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh triển khai phong trào “Xây dựng người phụ nữ Cao Bằng thời đại mới” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Hội Nông dân các cấp đã huy động hội viên nông dân tham gia tu sửa, phát quang và vệ sinh đường làng, ngõ xóm, làm đường bê tông nông thôn, nạo vét kênh mương thuỷ lợi; Lực lượng công an nhân dân tổ chức phát động và triển khai Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Vì an ninh Tổ quốc”; Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh thực hiện phong trào thi đua với chủ đề “Lực lượng vũ trang Cao Bằng chung sức xây dựng nông thôn mới”...
Thực tiễn triển khai các chương trình kế hoạch cho thấy, đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, gương điển hình tiêu biểu, như: Hiến đất làm đường, trường học, đưa gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở; giữ gìn an ninh, trật tự; đóng góp ngày công lao động, giữ gìn vệ sinh môi trường… Đến nay, toàn Tỉnh có 17/139 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt từ 15-18 tiêu chí; 46 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 64 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; 4 xã dưới 5 tiêu chí; bình quân tiêu chí toàn Tỉnh đạt 10,32 tiêu chí/xã; toàn tỉnh huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư và các đơn vị tài trợ được 29 tỷ 903 triệu đồng; nhân dân tham gia hơn 77.633 ngày công lao động.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song do xuất phát điểm thấp, nên quá trình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, địa phương còn gặp một số hạn chế như: nguồn lực thực hiện so với nhu cầu để đạt được các mục tiêu, tiêu chí còn thấp, nhất là các tiêu chí về xây dựng cơ sở hạ tầng. Những tiêu chí đạt được chưa bền vững, nhất là tiêu chí thu nhập của người dân không ổn định; sản xuất hàng hóa ở nông thôn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng thế mạnh, quy mô còn nhỏ lẻ, manh mún; đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh, rủi ro cao...
Đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, nên nguồn lực huy động xã hội hóa còn hạn hẹp; xuất hiện tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Bên cạnh đó, một số đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện phong trào, chưa năng động trong việc khai thác và phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng nông thôn mới...
Đến năm 2025, có 50 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới
Với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu có 50 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí; phấn đấu 30% xóm được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5% tổng số xóm trên địa bàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Để thực hiện thành công các mục tiêu này, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền nâng cao nhận thức, vận động các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chủ động, trách nhiệm, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tập trung phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính; Nhà nước đóng vai trò định hướng và hỗ trợ với tinh thần là Nhà nước và nhân dân cùng làm; tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu chủ yếu của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025;
Hai là, huy động mọi nguồn lực, nhất là lồng ghép thật tốt các nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia, để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; phát triển kinh tế gắn với giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc; đảm bảo quốc phòng - an ninh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân; phát huy cao độ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng nông thôn mới;
Ba là, tiếp tục duy trì, phát động thường xuyên, sâu rộng Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong toàn Tỉnh; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến bằng nhiều phương pháp tích cực, phù hợp với tình hình, điều kiện của đơn vị, địa phương để lan toả trong cộng đồng xã hội; Kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân, hộ gia đình điển hình tiêu biểu tham gia thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới; Thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tại các địa phương./.
Bình luận