ĐBSH và Bắc Trung Bộ - nơi hội tụ những điểm sáng nhất vê nông thôn mới
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả mà vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã đạt được trong xây dựng NTM. Theo ông, đây là nơi hội tụ những điểm sáng nhất, những sáng tạo đột phá nhất, những cách làm hiệu quả nhất về xây dựng NTM của cả nước trong những năm qua.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị
“Khu vực này cũng là nơi khởi nguồn cho việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới đã và đang triển khai rất hiệu quả, như: Chương trình mỗi xã một sản phẩm xuất phát từ Quảng Ninh; xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu xuất phát từ Hà Tĩnh; xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở những địa bàn khó khăn xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xuất phát từ Nam Định...”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện khu vực này đang là nơi tìm tòi những vấn đề mới, làm tiền đề để nghiên cứu nội dung xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020, như: Du lịch nông thôn; phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư; xây dựng mã vùng sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…
Theo báo cáo tại Hội nghị, tính đến hết tháng 07/2019, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có 2.402/3.474 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 69,1%). Trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 83,59%, cao nhất trong cả nước, vượt mục tiêu toàn Vùng là 80%. Vùng Bắc Trung Bộ đạt 51,92%, chưa đạt mục tiêu toàn vùng là 59%. Bình quân cả vùng đạt 17,4 tiêu chí, cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã. Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Hồng đạt bình quân 18,28 tiêu chí/ xã, cao nhất cả nước; vùng Bắc Trung Bộ đạt bình quân 15,8 tiêu chí/xã. Từ đầu năm 2018, cả Vùng không còn xã dưới năm tiêu chí; có 41 đơn vị cấp huyện (thuộc 13 tỉnh/thành phố) được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành xây dựng nông thôn mới, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới. Có 12/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; phấn đấu hết năm 2020 toàn Vùng sẽ có 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 9/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu; đã có 510 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu hết năm 2020, toàn vùng có 939 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Theo đó, tổng vốn huy động thực hiện chương trình giai đoạn 2010-2019 của hai vùng khoảng 689.798 tỷ đồng, chiếm 32,5% của cả nước.
Với những nỗ lực của chính quyền và người dân, đến năm 2018, thu nhập bình quân khu vực nông thôn vùng Đồng bằng sông Hồng ước đạt 43,3 triệu đồng/người/ năm; vùng Bắc Trung Bộ đạt 27,9 triệu đồng/người/năm thấp hơn bình quân chung của cả nước (35,9 triệu đồng). Vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ có lần lượt 1,79%, 6,03% hộ nghèo, tất cả các tỉnh, thành phố trong vùng đạt dưới 4% và tỷ lệ hộ cận nghèo 4,38%... Tuy nhiên vùng còn có những hạn chế như: môi trường; quá trình đô thị hoá mạnh theo chiều bê tông hoá; an ninh trật tự; nhiều địa phương nặng về hình thức chưa quan tâm đến chất lượng, trông chờ ỷ lại vào nguồn lực Trung ương...
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương những kết quả các tỉnh, thành phố đạt được. Đồng thời, đề nghị các địa phương cần rà soát, từ đó đưa ra được phương hướng phù hợp với địa phương mình trong giai đoạn tiếp theo. Bố trí nguồn lực cần xem xét lại và đề xuất hợp lý; đặc biệt, cần xem xét và phát huy được vai trò người dân trong xây dựng nông thôn mới nhưng phải để người dân tự nguyện, tự giác. Phát triển kinh tế nông thôn, các mô hình tập thể và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp phải đạt kết quả cao nhất có thể.
“Từng tỉnh, huyện, xã phải tiếp tục phấn đấu để có kết quả xây dựng nông thôn mới cao nhất năm 2020, không được chủ quan, thỏa mãn; đồng thời, cần chú ý công tác xem xét, thẩm định, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trên tinh thần không chạy theo thành tích; Đo lường kết quả đạt được là mức độ hài lòng của người dân...”, Phó Thủ tướng cho biết.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên cơ sở tổng kết từng vùng để chuẩn bị tốt việc xây dựng tiêu chí, cơ chế xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo, như: mục tiêu chung cho cả nước, cho từng vùng; tiêu chí; cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá, khen thưởng cũng như chuẩn bị cho hội nghị sắp tới…
“Nông thôn mới – có điểm đầu, không có điểm kết thúc, từ đó đòi hỏi sự năng động, tự chủ của các địa phương cùng với sự chủ động đề xuất sáng kế, phương hướng mới giúp nông thôn mới phát triển…”, Phó Thủ tướng cho biết./.
Bình luận