Tập trung xử lý dứt điểm nợ đọng

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tính đến ngày 25/6/2018, cả nước có 3.370 xã (37,76%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã, còn 118 xã dưới 5 tiêu chí. Có 53 đơn vị cấp huyện thuộc 27 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 10 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2017.

Nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam... để chuyển sang giai đoạn nâng cao và hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Đối với huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2018, theo số liệu báo cáo của các địa phương, dự kiến năm 2018, cả nước huy động khoảng 322.174,8 tỷ đồng từ các nguồn lực để đầu tư thực hiện. Đến nay, có 50/51 địa phương nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương đã có quyết định phân bổ kế hoạch vốn năm 2018 được giao.

Thời gian qua, các địa phương đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có các giải pháp hiệu quả để xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản của chương trình, phấn đấu hoàn thành tiến độ theo chỉ đạo của trung ương.

Tính đến hết tháng 5/2018, còn 22/63 tỉnh nợ khoảng 1.631,9 tỷ đồng. Như vậy, với tiến độ như hiện nay thì nhiều địa phương sẽ hoàn thành sớm mục tiêu xử lý nợ xây dựng cơ bản của chương trình theo yêu cầu của Quốc hội.

Nhiều địa phương đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới trên địa bàn

Phân bổ vốn vẫn còn chậm và thiếu

Bên cạnh những kết quả trên, công tác huy động vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đáng lưu ý, công tác tham mưu, phối hợp triển khai kế hoạch năm 2018 của một số địa phương còn chậm, nhất là phân bổ vốn ngân sách trung ương được giao nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện chương trình nông thôn mới.

Nhìn vào cơ cấu nguồn vốn huy động có thể thấy, nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ ngân sách nhà nước nhưng còn hạn chế; cơ chế lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án chưa rõ ràng và chưa quan tâm tới đặc thù của từng địa phương…

Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn chưa đạt kết quả cao. Nguyên nhân là do, chính sách huy động vốn và ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chưa đủ hấp dẫn. Các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lớn và dài hạn để đầu tư cho các công trình như hạ tầng nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao… bị giới hạn về thời gian và tỷ lệ vay vốn. Điều này chưa đáp ứng được nhu cầu vay vốn. Chính sách bảo hiểm nông nghiệp kém hiệu quả cũng là một nguyên nhân khiến các ngân hàng hạn chế tỷ lệ cho doanh nghiệp vay vốn.

Trong khi đó, huy động vốn đầu tư từ nông dân hiện còn ít, do nguồn thu nhập thấp, đóng góp xây dựng nông thôn mới của người dân theo nguyên tắc tự nguyện, cũng chưa phải là khoản thu bắt buộc... Hiện nay, ở các địa phương huy động xây dựng nông thôn mới rất khác nhau, có nơi người dân chỉ đóng góp bằng ngày công, hiện vật, không đóng góp về tài chính; Có địa phương thu tiền của dân nhiều, có nơi lại thu ít, có địa phương ban hành quy định đóng góp không phù hợp, có địa phương trực tiếp thu với mức thu cao và không đồng đều. Cách thức huy động đóng góp của người dân cho xây dựng nông thôn mới không thống nhất, khiến cho hoạt động huy động vốn từ cộng đồng người dân chưa thực sự hiệu quả.

Đó là chưa kể, quy định pháp lý về huy động vốn đầu tư của cộng đồng dân cư và giải quyết nợ đọng xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, một số chính sách chỉ mang tính khuyến khích. Pháp luật về đầu tư công, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực trong xã hội mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn không tránh khỏi những khó khăn về quy trình, thủ tục.

Cần đa dạng hóa nguồn vốn

Năm 2018, Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu cả nước có 39% xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng khoảng 5%) so với năm 2017, 54 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.Tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Để đạt mục tiêu đề ra, trước hết, cần tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện mạng lưới thị trường trao đổi hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường xúc tiến thương mại, quản lý thị trường.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp huy động và đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện chương trình... Cùng với đó, tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn 2018, làm cơ sở để đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung nguồn lực năm 2018 từ nguồn vốn trung hạn 2016-2020, đã được Thủ tướng Chính phủ thông báo tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg cho các địa phương để tập trung hoàn thành sớm mục tiêu phấn đấu theo nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, yêu cầu các địa phương thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; tăng cường các hình thức xã hội hóa để thu hút đầu tư vào bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn…

Các địa phương cần tiếp tục vận động, hợp tác với các tổ chức quốc tế hỗ trợ tư vấn và kỹ thuật cho chương trình; tranh thủ hỗ trợ vốn và vay vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển quốc tế để tăng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới.

Hai là, quy định huy động vốn của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nông thôn mới. Vốn đầu tư từ doanh nghiệp và các nhà đầu tư là nguồn quan trọng và cần thiết trong xây dựng nông thôn mới. Do đó, cần phải có hành lang pháp lý, cơ chế vững chắc để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và tạo ra nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Đầu tư của doanh nghiệp vào phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực cho xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế pháp lý thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp nhưng hướng tới lợi ích của nông thôn mới; Ban hành Nghị định về phát triển doanh nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các luật thuế, tín dụng... tiến tới nâng cấp lên thành luật về phát triển doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, tạo cơ sở pháp lý cao hơn cho việc thực hiện.

Cùng với đó, xem xét xây dựng cơ chế và cách thức thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp theo hình thức BOT, PPP áp dụng cho Chương trình nông thôn mới; Sửa đổi quy định của Luật Đất đai để thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn; Nghiên cứu chính sách cho các doanh nghiệp thuê đất của nông dân, Nhà nước có chính sách hỗ trợ, nông dân đóng góp quyền sử dụng đất như cổ phần trong doanh nghiệp. Đồng thời, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới đầu tư vào thị trường chứng khoán để huy động vốn đầu tư vào phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

Ba là, quy định huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư. Trong xây dựng nông thôn mới, người dân đóng vai trò là chủ thể. Huy động đúng sức dân cho xây dựng nông thôn mới là quan trọng và rất cần thiết. Người dân nông thôn có thu nhập thấp nhưng nếu được người dân đồng tình, ủng hộ thì có thể huy động được một lượng vốn không nhỏ.

Huy động đóng góp ở mức độ nào là vừa đủ, là không quá sức dân vừa không làm mất đi quyền tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới của các chủ thể, vừa không trái với chủ trương không huy động dân đóng góp bắt buộc; đồng thời, bảo đảm nguyên tắc không được ảnh hưởng đến đời sống của người dân./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/huy-dong-von-dau-tu-xay-dung-nong-thon-moi-nhung-van-de-phap-ly-can-giai-quyet-124342.html

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2018-06-28/can-huy-dong-da-dang-hoa-nguon-von-xay-dung-nong-thon-moi-59236.aspx

http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/226-10106-giai-phap-huy-dong-von-xay-dung-nong-thon-moi.html