Giải pháp để người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có thu nhập cao
Người lao động sang Trung Đông có chứng chỉ nghề quốc tế sẽ nhận mức thu nhập 1.200-1.500 USD/tháng

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 9 tháng đầu năm 2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 103.026 lao động, vượt kế hoạch năm 2022 và bằng 240,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài tập trung nhiều vào các lĩnh vực, như: sản xuất - chế tạo, nhà máy, công xưởng (chiếm trên 80% số lượng người đi làm việc tại nước ngoài hàng năm). Ngoài ra, chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng, hộ lý làm việc tại bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi), nông nghiệp, xây dựng cũng là những ngành nghề mà các quốc gia/vùng lãnh thổ có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài.

Cả doanh nghiệp và người lao động đã chú trọng chọn những thị trường tốt để đi làm việc. Bản thân người lao động cũng đã ý thức hơn trong việc tự rèn luyện nâng cao tay nghề, giúp họ dễ dàng hơn trong tìm kiếm cơ hội việc làm có chất lượng cao và thu nhập tốt hơn. Chất lượng lao động xuất khẩu từng bước được nâng lên. Những năm gần đây, với việc luật hóa công tác đào tạo trước khi phái cử lao động, đã dần hình thành một lực lượng lao động chuẩn mực tại nhiều thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam. Lao động Việt Nam được người sử dụng lao động và các cơ quan hữu quan tại nước tiếp nhận đánh giá tích cực về sự chăm chỉ, cần cù, nắm bắt nhanh công việc, làm việc có chất lượng và năng suất.

Qua đó, nguồn thu nhập từ hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam đã được nâng lên. Đặc biệt, hiện mức thu nhập cho người lao động có trình độ chuyên môn nhất định khá cao. Ví dụ, người lao động sang Trung Đông có chứng chỉ nghề quốc tế sẽ nhận mức 1.200-1.500 USD/tháng thay vì mức thu nhập 400-500 USD/tháng, thậm chí nếu làm tốt thu nhập lên tới 1.800-2.000 USD/tháng.

Không chỉ được trả mức thu nhập tốt, người lao động có kiến thức, trình độ cũng giúp họ có vị trí vững vàng hơn trong công việc khi xảy ra khủng hoảng. Ví dụ như khi đại dịch Covid-19 xảy ra, lao động trình độ phổ thông sẽ bị cắt giảm, trong khi người có năng lực, tay nghề cao vẫn được giữ lại.

Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận thực tế rằng, hiện phần lớn lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài có kỹ thuật bậc thấp, hạn chế tay nghề, ngoại ngữ. Chính sách đào tạo nghề hiện thường chỉ coi ngoại ngữ là công cụ học nghề, học cấp tốc vài tháng, trong khi đáng ra cần có thêm chương trình, dự án đào tạo ngoại ngữ song hành với nghề. Vì yếu ngoại ngữ, quản lý hướng dẫn một đường, người lao động làm một nẻo, làm sai nhiều thì người lao động bị xử phạt, dễ mâu thuẫn rồi bỏ ra ngoài làm.

Một bộ phận doanh nghiệp cung ứng lao động đang rất khó khăn trong tuyển nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu của đối tác. Nhiều nước có đơn hàng cần lao động có chuyên môn và kỹ năng nghề, như: hàn, điện, cơ khí, phay, cắt gọt..., nhưng doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được. Không ít doanh nghiệp đã bỏ lỡ các hợp đồng, đơn hàng có mức thu nhập cao vì không tuyển được lao động đạt yêu cầu.

Trước tình hình trên, cần có chính sách ưu tiên và định hướng đầu tư những ngành nghề như: kỹ thuật cao, nông nghiệp sạch, điện - điện tử, tự động hóa... Có chiến lược dài hạn về thị trường, ngành nghề làm việc để góp phần nâng tỷ lệ lao động tay nghề cao trước khi xuất cảnh. Tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất nửa năm trở lên, chứ không chỉ sơ cấp như hiện nay. Tỷ lệ nâng dần này từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi xuất khẩu lao động phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp cần chủ động trong cung ứng nguồn lao động bậc cao bằng việc kết hợp với các trường nghề đào tạo nhân lực mà doanh nghiệp cần, chứ không đợi tới lúc ký hợp đồng rồi mới đi tuyển sẽ không kịp.

Tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tuyển chọn, đào tạo lao động về ngoại ngữ, tay nghề và ý thức tổ chức kỷ luật, đáp ứng yêu cầu của nước tiếp nhận lao động, tạo vị thế cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Chỉ khi chất lượng và ý thức lao động được nâng cao, thì tiền lương, đãi ngộ, môi trường làm việc cho người lao động mới thực sự thỏa đáng./.