Giải pháp huy động vốn xây dựng nông thôn mới
Kết quả chưa tưng xứng
Kết quả thu hút đầu tư vào nông nghiệp phát triển nông thôn mới chưa tương xứng với những ưu đãi |
Nhằm thực hiện thành công Chương trình nông thôn mới, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp, phát triển nông thôn mới. Cụ thể là, ngày 04/06/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 800/QĐ-TTg, ngày 04/06/2010 về Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; Tiếp đến là Quyết định số 889/QĐ-TTg, ngày 10/06/2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao gia trị gia tăng và phát triển bền vững đã mở ra nhiều lĩnh vực và cơ hội đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn.
Bên cạnh đó, nhiều cơ chế, chính sách, nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là, ngày 19/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 62/QĐ-TTg, ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn... Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, ngày 09/06/2015 về về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn...
Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, phát triển nông thôn mới, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa cao. Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, trong nhiều năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2010-2015, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn còn ít. Tính đến hết năm 2016, cả nước có gần 4.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ chiếm gần 1% tổng số doanh nghiệp cả nước. Song, riêng trong năm 2015, số doanh nghiệp ngành nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể đã là 2.019 doanh nghiệp, cao hơn 11,3% so số doanh nghiệp thành lập mới. Trong khi đó, quy mô của doanh nghiệp nông nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, với khoảng hơn 50% số doanh nghiệp có quy mô vốn ở mức dưới 05 tỷ đồng và cũng gần 50% số doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ…
Để thu hút đầu tư vào nông nghiệp phát triển nông thôn mới
Với nguồn lực hạn hẹp, vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hút vốn đầu tư từ các nguồn lực khác trong xã hội tham gia vào phát triển nông nghiệp, từ đó thúc đẩy phát triển nông thôn mới. Muốn vậy, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xác định rõ vai trò, lợi thế của nông nghiệp trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong nông nghiệp phát triển nông thôn mới. Để làm được điều này, các cơ quan hoạch định, triển khai, thực thi chính sách cần coi trọng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh nông nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ tích cực cho sản xuất, tiêu thụ nông sản và đầu tư phát triển nông thôn mới.
Hai là, xây dựng hoàn thiện thể chế, thúc đẩy, thu hút và phát triển doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển nông thôn mới. Tiếp tục xây dựng thể chế, chính sách hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp. Đồng thời, hoàn thiện mạng lưới thị trường trao đổi hỗ trợ doanh nghiệp và tăng cường xúc tiến thương mại, quản lý thị trường.
Ba là, cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận chính sách một cách thuận lợi dễ dàng. Thực hiện công khai, minh bạch các quy hoạch, đề án dự án kêu gọi đầu tư; đơn giản hoá các thủ tục đầu tư, trình tự đầu tư, thanh quyết toán vốn. Nhà nước cần có bước đột phá trong việc ban hành những chính sách, nhằm đơn giản hóa các thủ tục cấp phép đối với doanh nghiệp, thủ tục triển khai những dự án trong nông nghiệp.
Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ sự hình thành thị trường trao đổi, thuê mướn đất canh tác, đất nông nghiệp, tháo gỡ vướng mắc hạn điền, nhằm giúp doanh nghiệp có điều kiện mở rộng phát triển quy mô sản xuất, kinh doanh. Xây dựng cơ chế thúc đẩy người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, cho doanh nghiệp thuê đất trên cơ sở tự nguyện, công khai, minh bạch, hai bên cùng có lợi. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp được ký hợp đồng thuê đất nông nghiệp, thuê mặt nước với chính quyền địa phương nhận ủy quyền của hộ nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác. Giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương tạo quỹ đất sạch cho doanh nghiệp thực hiện dự án phù hợp với các quy định của pháp luật./.
Bình luận