Hàng ngàn sản phẩm nông nghiệp đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP
Góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tieu quôc gia xây dựng NTM
Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020 (Chương trình OCOP) vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi nêu rõ, Chương trình OCOP được xem là một giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện khu vực nông thôn Việt Nam, giúp thúc đẩy phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện sẽ tạo động lực mới cho phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Ngày 7/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (OCOP), triển khai trên phạm vi cả nước.
Đây là một giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.
Tuy Chương trình OCOP mới được triển khai trên phạm vi toàn quốc nhưng trên thực tế, nhiều địa phương đã chủ động thực hiện từ nhiều năm trước đây.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và dẫn đầu cả nước triển khai từ năm 2013 Chương trình OCOP
Tỉnh Quảng Ninh là địa phương đầu tiên và dẫn đầu cả nước triển khai từ năm 2013, từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia chương trình, đến nay, Quảng Ninh đã phát triển thành gần 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị tích cực tham gia.
Sau gần một năm thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy mô hình mỗi xã, phường một sản phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ động, tích cực hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng Đề án, đến nay cả nước đã có 60/63 tỉnh, thành phố xây dựng Đề án, 30 tỉnh, thành phố lập xong Đề án, đặc biệt đã có 6 tỉnh phê duyệt Đề án.
Ngân hàng Nhà nước Việt
Hiện cả nước có hơn 5.000 sản phẩm nông nghiệp lợi thế, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có hơn 2.500 sản phẩm, hơn 1.000 sản phẩm đồ uống, 230 sản phẩm thảo dược, gần 600 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn đã đăng ký tiêu chuẩn OCOP.
Đến năm 2020, tiêu chuẩn hóa gần 2.400 sản phẩm OCOP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cơ bản đồng ý với kế hoạch của Chương trình đến năm 2020 là tiêu chuẩn hóa gần 2.400 sản phẩm, củng cố 3.920 tổ chức kinh tế tham gia OCOP, phấn đấu phát triển mới 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP.
Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng cho tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, động lực cho phát triển bền vững của đất nước. Đây là những thách thức rất lớn, đòi hỏi các bộ, ngành cần đặc biệt chú trọng hướng dẫn các địa phương, triển khai đồng bộ, trong đó cần lồng ghép các chủ trương, chính sách lớn có liên quan đến phát triển kinh tế nông thôn.
Chương trình OCOP là sản phẩm của địa phương, nhưng phải được gia tăng giá trị lên tầm quốc gia, hướng tới quốc tế. Chương trình OCOP sẽ tác động mạnh mẽ tới thương hiệu, chất lượng hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp Việt
Vì vậy, Nhà nước không thể áp đặt ý chí chủ quan, mệnh lệnh hành chính trong quá trình sản xuất các sản phẩm OCOP mà phải phát huy tính sáng tạo của mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân trong môi trường kinh tế thị trường.
Chương trình OCOP cũng như Chương trình xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau năm 2020, Chính phủ sẽ tổng kết việc thực hiện để tiếp tục triển khai lâu dài.
Vì vậy, các cơ quan báo chí cần tập trung truyền thông về Chương trình OCOP, nhằm thống nhất về cách hiểu, cách làm, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội khi triển khai, coi nội dung tuyên truyền Chương trình OCOP là một nội dung trong cuộc thi báo chí về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Huy động các nguồn lực từ các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn. Khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân, nguồn hỗ trợ ODA và các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai Chương trình, nhất là thu hút đầu tư từ các chủ thể kinh tế là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh tham gia Chương trình OCOP. Bố trí một phần kinh phí cho việc xây dựng các đề án phát triển kinh tế, xã hội phục vụ Chương trình OCOP.
Xây dựng và phát triển mạng lưới đối tác OCOP, trong đó có các đối tác quốc tế, tài chính tín dụng. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và bảo hộ, sở hữu trí tuệ trong phát triển sản phẩm OCOP từ Trung ương đến địa phương.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và các văn bản hướng dẫn; chỉ đạo và hướng dẫn, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phê duyệt Đề án Chương trình OCOP để triển khai ngay trong năm 2018.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan liên quan căn cứ nhiệm vụ được giao theo Quyết định số 490/QĐ-TTg để chủ động ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình OCOP, trong đó, chú ý đến hướng dẫn chu trình OCOP, cơ chế huy động nguồn lực, tiếp cận vốn vay, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản phẩm du lịch, đồng thời đề xuất các dự án thành phần giúp triển khai Chương trình OCOP, phát triển nhanh 6 nhóm sản phẩm chủ lực, hệ thống giám sát sản phẩm, xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ nhiệm vụ Chương trình OCOP được Thủ tướng phê duyệt, tùy điều kiện, đặc điểm cụ thể, cần chọn bước đi, lộ trình thích hợp, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để lựa chọn sản phẩm lợi thế, đầu tư phát triển, nâng cấp thành sản phẩm xã, huyện, cấp tỉnh, quốc gia; chỉ đạo xây dựng, phê duyệt kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành chuyên môn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm./.
Bình luận