Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân; do đó các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ Huyện đến cơ sở tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng, nội dung Chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Huyện An Dương, TP. Hải Phòng đạt chuẩn nông thôn mới
Thị trấn An Dương, huyện An Dương, TP. Hải Phòng

Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới. Nhân dân các địa phương đã nhận thức được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng nông thôn mới, thông qua đó đã có những việc làm cụ thể, thiết thực, như: hiến đất làm đường giao thông, đóng góp kinh phí và ngày công lao động... để làm đường giao thông nông thôn, các công trình công cộng...

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tổng nguồn lực thực hiện chương trình trên địa bàn Huyện là 5.162.542 triệu đồng. Nguồn vốn do ngân sách nhà nước đầu tư Chương trình xây dựng nông thôn mới được phân bổ, quản lý, sử dụng đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng mục đích, đúng đối tượng là nguồn lực chủ yếu trong đầu tư, hỗ trợ các xã thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Giai đoạn 2011-2021, Huyện đã nâng cấp và làm mới, nhựa hóa, bê tông hóa được 602,81 km đường giao thông, trong đó có 27,41 km đường trục xã, 82,9km đường trục thôn, liên thôn, 492,5 km đường ngõ xóm, đường nội đồng, đường nội bộ nghĩa trang.

Thực hiện chương trình hỗ trợ xi măng làm đường ngõ xóm và đường nội đồng của Thành phố, từ năm 2013 đến năm 2020, toàn Huyện đã tiếp nhận 78.500 tấn xi măng, xây dựng 492,5 km đường ngõ xóm, đường nội bộ nghĩa trang nhân dân và đường trục chính nội đồng. Các tuyến đường giao thông trên địa bàn Huyện hàng năm được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, bảo trì, đảm bảo an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Cùng với đó, công tác quản lý, lắp đặt hệ thống biển chỉ dẫn, chiếu sáng, trồng bổ sung cây xanh, đường hoa, giải tỏa các vật cản, rác thải, không để lòng đường bị lấn chiếm, lề đường, vỉa hè bị che khuất tầm nhìn được thực hiện tốt.

Đáng chú ý, huyện An Dương đã từng bước đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững quốc phòng - an ninh, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh và cuộc sống bình yên cho người dân. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được xây dựng vững mạnh. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự điều hành của chính quyền, dân chủ ở cơ sở được phát huy, cả xã hội đã chung sức xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người tăng 2,32 lần từ 25 triệu đồng/người/năm 2010 lên 58 triệu đồng/người/năm 2020.

Theo UBND huyện An Dương, năm 2022, Huyện phấn đấu có 5 xã cơ bản hoàn thành 17/17 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định; Năm 2023, phấn đấu 6 xã cơ bản hoàn thành 17/17 tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định; Năm 2024, phấn đấu 100% số xã (15/15 xã) đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu theo quy định và hoàn thiện các hồ sơ đề xuất huyện An Dương trở thành đơn vị hành chính quận trong năm 2025.

UBND TP. Hải Phòng có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện An Dương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.