Bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Vũ Quang với xuất phát điểm thấp, bình quân chỉ đạt 2,1 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 9,12 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh 45,85%, cơ sở vật chất hạ tầng vừa yếu, vừa thiếu...

Sau 10 năm xây dựng, đến nay, huyện Vũ Quang đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới; có 2 xã đạt xã nông thôn mới nâng cao; 54/73 thôn đạt khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; xây dựng được hơn 1.000 vườn mẫu; 22 cụm dân cư và 49 tuyến đường đạt chuẩn “sáng - xanh - sạch - đẹp”. Thu nhập bình quân đầu người đạt 39,97 triệu đồng/người/năm (tăng 4,38 lần so với cuối năm 2010).

Về kết cấu hạ tầng, toàn Huyện đã nâng cấp, làm mới 411,081 km đường giao thông và 109,31 km mương rãnh thoát nước. Bên cạnh đó, về hệ thống trường học, đến năm 2020, toàn Huyện có 30 trường công lập, trong đó có 26 trường thuộc 9 xã, đảm bảo 26/26 trường có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Huyện đã xây mới và nâng cấp 11 nhà văn hóa, khu thể thao xã; 73 nhà văn hóa thôn; 66 khu thể thao thôn.

Huyện cũng xây dựng được 1.845 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, trong đó có trên 83 mô hình cho doanh thu trên 1 tỷ đồng, có những mô hình cho doanh thu lên tới 78 tỷ đồng, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập bình quân đầu người và giảm tỷ lệ hộ nghèo; 65 doanh nghiệp, 53 hợp tác xã và 155 tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả. Cụ thể, trong sản xuất, trên cơ sở xác định các sản phẩm có lợi thế, trong đó 3 sản phẩm chủ lực gồm: cam, lợn, gỗ nguyên liệu rừng trồng, Vũ Quang đã tập trung khuyến khích, hỗ trợ phát triển. Đến nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 3.700 ha, riêng cam 2.580 ha. Giá trị sản phẩm từ cây ăn quả trong những năm gần đây đạt 400-450 tỷ đồng/năm.

Với chăn nuôi lợn, tổng đàn thường xuyên có mặt hiện nay gần 30.000 con, tổng sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2020 đạt 4.950 tấn. Trên địa bàn huyện có 16 trang trại quy mô trên 600 con/lứa và 3 cơ sở sản xuất lợn giống nái ngoại, quy mô từ 300-650 con. Nhiều mô hình đã cho doanh thu hằng năm trên 30-78 tỷ đồng. Với kết quả này, Vũ Quang là huyện đi đầu trong phát triển chăn nuôi lợn liên kết, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại của tỉnh Hà Tĩnh.

Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn nông thôn mới giảm còn 1,38%; 72/73 thôn được công nhận văn hóa; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 92%; tỷ lệ lao động qua đào tạo gần 61%;...

Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, huyện Vũ Quang đã huy động các nguồn lực được hơn 3.074 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức, cá nhân, con em xa quê hỗ trợ gần 60 tỷ đồng; Nhân dân đóng góp gần 725 tỷ đồng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng văn hóa, giáo dục, phát triển sản xuất.

UBND tỉnh Hà Tĩnh có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định, chỉ đạo huyện Vũ Quang tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng các tiêu chí về sản xuất và môi trường để đảm bảo tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới.