Huyện Đô Lương có 33 đơn vị hành chính (32 xã và 1 thị trấn), diện tích tự nhiên 353,72 km2, dân số hơn 220 ngàn người. Đô Lương là huyện trung tâm, có nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua địa bàn, là điều kiện quan trọng để huyện giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội; là mảnh đất văn hiến, có vị trí chiến lược quan trọng, có bề dày lịch sử vẻ vang. Người dân hiếu học, cần cù, chịu khó trong lao động; giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Công nhận huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới
Huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đạt chuẩn nông thôn mới

Giai đoạn 2010-2022, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, nên tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân luôn duy trì ở mức khá cao, giai đoạn 2010-2015 tăng trưởng bình quân đạt 10,16%; giai đoạn 2016-2021 tăng trưởng bình quân đạt 12,53%, năm 2022 đạt 10,91%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Thu ngân sách hàng năm đạt trên 300 tỷ đồng, năm 2022 đạt trên 790 tỷ đồng; có hơn 15.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, hàng năm gửi về trên 200 triệu USD. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm đạt 77,29%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 2,93%; 100% tỷ lệ hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia. Thu nhập bình quân đầu người từ 23,2 triệu đồng (năm 2010) đến năm 2022 đạt 65,76 triệu đồng, trong đó khu vực nông thôn đạt 57 triệu đồng/người/năm.

Đến hết năm 2022, huyện đầu tư làm mới được trên 1.050 km đường nhựa, bê tông; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp; xây mới, sửa chữa 2.054 phòng học, phòng chức năng ở các cấp học; xây mới 15 trạm y tế; đầu tư nâng cấp, xây dựng 2 nhà máy nước sạch, nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước máy lên 28,1%.

Sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học công nghệ gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản xuất. Huyện đã hoàn thành việc chuyển đổi ruộng đất, kết hợp nâng cấp hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng; tích cực đưa một số giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất tập trung; xây dựng nhiều mô hình sản xuất áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, đã có các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGap. Công tác xúc tiến thu hút đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đạt kết quả cao; chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư sang chăn nuôi theo hướng tập trung công nghiệp, bán công nghiệp, trang trại, gia trại.

Y tế, giáo dục có bước phát triển toàn diện. Đến nay đã có 32/32 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,3%. 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đủ điều kiện theo quy định; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng năm 2022 giảm còn 9%. Chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ngày được nâng cao.

Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Người dân đoàn kết, tin tưởng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng, thường xuyên ở các xã, thôn (xóm) trong toàn huyện. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh quốc phòng được củng cố, giữ vững. Công tác thu hút đầu tư tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế địa phương.

Huyện đã thực hiện các cơ chế và triển khai huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới hiệu quả. Tổng kinh phí đã thực hiện giai đoạn 2011-2022 là hơn 5.513 tỷ đồng. Đến nay, huyện Đô Lương không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đến hết năm 2022, có 32/32 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Đô Lương đạt chuẩn văn minh đô thị, huyện đã thực hiện đạt 09/09 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 320/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Nghệ An có trách nhiệm công bố và khen thưởng theo quy định; chỉ đạo UBND huyện Đô Lương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chú trọng tiêu chí về sản xuất và môi trường để bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới./.